Vietnam-vẻ đẹp Á Đông

Vietnam-vẻ đẹp Á Đông

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

IMANUEL KANT (IMANUEN CANTƠ) - 1724- 1804

           
                                     
Kant là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây "Triết học Kant là nền tảng và điểm xuất phát của triết học Đức hiện đại. Những hạn chế trong triết học của ông không làm lu mờ công lao đó của triết học Kant" (nhận xét của Hegel). _
Kant là người sáng lập nền triết học cổ điển Đức. Ông sinh năm 1724 trong một gia đình trung lưu ở Kenixbec (nay là kaliningrat).
Từ năm 1755 bắt đầu giảng dạy siêu hình học (triết học) và các môn khoa học tự nhiên ở trường Đại học tổng hợp Kenixbec.
Từ năm 1770 ông chủ yếu quan tâm đến các vấn đề triết học. Ông có nhiều cống hiến về mặt triết học. Ông đã tập trung toàn bộ sức lực và thời gian để thực hiện nhiệm vụ mà cả đời ông đặt ra cho mình là xây dựng một hệ thống triết học mới. Nhiều công trình khoa học tự nhiên và triết học của ông đã ra đời, nâng ông lên vị trí một trong những nhà bác học uyên bác nhất thời đó. Ông đã để lại cho nhân loại một trong những hệ thống triết học độc đáo và sâu sắc nhất.
Thế giới quan triết học của Kant được phát triển qua hai thời kỳ chính, mặc dù giữa chúng có sự thống nhất nhất định:
Thời kỳ tiền phê phán (trước những năm 70 của TK XVIII)
Thời kỳ phê phán (từ năm 1770 trở đi)
1. Thời kỳ tiền phê phán
Kant chủ yếu tập trung vào triết học khoa học tự nhiên. Lúc đầu, Kant chịu ảnh hưởng lớn các quan điểm duy tâm và thần học của Lepnhit và Vôn phơ; về sau chuyển dần sang quan niệm duy vật (máy móc) của Niutơn và Đecáctơ, rồi đi đến xây dựng thế giới quan độc lập của mình: điều hoà giữa CNDV & CNDT. Vì vậy, bên cạnh nhiều quan niệm duy tâm thần bí, về cơ bản Kant thể hiện như một nhà duy vật khoa học tự nhiên với luận điểm mà ông thường tuyên bố: "hãy cho tôi vật chất, tôi sẽ xây dựng thế giới từ nó; nghĩa là hãy đưa cho tôi vật chất, tôi sẽ chỉ cho mọi người thấy thế giới ra đời từ vật chất như thế nào."
Thế giới chúng ta, theo Kant, được cấu tạo từ vật chất luôn vận động và biến đổi không ngừng; mọi vật đều liên hệ, tương tác lẫn nhau thông qua lực hút và lực đẩy. Thế giới hiện nay là kết quả cửa quá trình phát triển lâu dài theo hướng ngày càng hoàn thiện của giới tự nhiên. Ông luôn đặt vấn đề: cần phải xem xem có phải trái đất ngày càng già đi không? Phải chăng, trái đất đang dần dần đi tới diệt vong hay cho đến nay nó vẫn chưa qua khỏi lứa tuổi trẻ thơ?"
Từ những công trình nghiên cứu về trái đất và đại dương, Kant là người đầu tiên khám phá ra ảnh hưởng của lực hấp dẫn giữa trái đất và mặt trăng với hiện tượng thuỷ triều. Trong công trình "sự ma sát của thuỷ triều (1754), Kant chứng minh rằng tác đông qua lại lẫn nhau giữa sức hút của mặt trăng & trái đất đã tạo nên sự "lên", xuống" của thuỷ triều. Và chính sự lên, xuống của thuỷ triều đã ảnh hưởng đến tốc độ quay vòng của cả hai hành tinh đó.
Kant cho rằng, không chỉ mọi sự vật trong thế giới mà cả vũ trụ nói chung đều nằm trong quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong như một quy luật của tự nhiên. Từ đây ông xây dựng giả thuyết vân tinh học nổi tiếng: lý thuyết về nguồn gốc và sự hình thành vũ trụ.
Trong tác phẩm: "lịch sử tự nhiên đại cương và lý thuyết về thiên hà (1755) Kant nêu lên giả thuyết thiên tài về nguồn gốc của thái dương hệ. Theo đó thì từ buổi nguyên sơ xa xưa nhất, vũ trụ tồn tại ở trạng thái những khối tinh vân gồm vô vàn các hạt vật chất. Nhờ lực vạn vật hấp dẫn, các hạt vật chất đang khuếch tán trong không gian dần dần tụ lại thành những đám mây khổng lồ. Thông qua lực hút và lực đẩy, trong lòng các đám mây đó xuất hiện các luồng gió xoáy làm cho các hạt vật chất xoáy tròn với vận tốc cực lớn. Do (v) lớn, ma sát khi va chạm làm cho các đám mây đó nóng lên rồi kết đông lại thành các khối hình cầu. Vì lực hút chiếm ưu thế hơn nên các hạt vật chất kết hợp lại với nhau tạo thành mặt trời và các hành tinh có độ nóng khác nhau tuỳ thuộc mức độ ma sát. Vì khoảng không vũ trụ quá lớn và do ảnh hưởng của lực đẩy nên lực hấp dẫn không đủ sức hút tất cả lượng vật chất của vũ trụ thành một khối mà tồn tại nhiều hành tinh độc lập với nhau. Do lực hấp dẫn tỷ lệ thuận với khối lượng nên những hành tinh ở gần mặt trời thì nặng hờn so với các hành tinh ở xa và nhân của các hành tinh thì nặng hơn so với lớp vỏ của chúng. Vũ trụ là một chỉnh thể thống nhất, cho nên, "nó sẽ tạo ra những thế giới mới để bù đắp những tổn thất mà nó gánh chịu ở một nơi nào đó".
Kant cho rằng, không thể chỉ dùng sức hút mà giải thích được nguồn gốc thế giới (Niutơn). Nếu chỉ có một mình sức hút có tác dụng thì thế giới vật chất bao giờ cũng ở trạng thái đứng im mãi mãi. Bên cạnh sức hút còn có sức đẩy ra. Chính sự tương tác giữa sức hút và sức đẩy làm cho vật chất vận động và vật chất không hình mới biến thành những thiên thể hình cầu.
Nhờ vậy giới tự nhiên mới có thể tồn tại và vận động được. Ở đây Kant đã tiến tới vấn đề sự thống nhất giữa các mặt đối lập.
Ý nghĩa cách mạng của học thuyết trên không chỉ chỗ nó chứa đựng nhiều tư tưởng duy vật và hoàn chỉnh hơn so với các giả thuyết vũ trụ trước đó mà còn ở chỗ nó đem lại một cách nhìn mới - cách nhìn phát triển lịch sử về thế giới. Nó khẳng định không chỉ trái đất mà cả vũ trụ chúng ta là kết quả của toàn bộ quá trình phát triển và tiến hoá lâu dài của vũ trụ, đánh tan siêu hình thống trị thời đó cho rằng, thế giới là không có sinh, không có diệt, một khi nó đã tồn tại thì nó cứ tồn tại như thế mãi mãi. Giả thuyết của Kant về nguồn gốc của vũ trụ đã đột phá vào sự khẳng định siêu hình về: "cái hích đầu tiên" vấn đề cái hích đầu tiên đã bị loại bỏ; trái đất và tất cả hệ thống mặt trời hiện ra như một cái gì đã hình thành trong thời gian" (Ăngghen, Biện chứng của tự nhiên). Với giả thuyết này, Kant bước đầu đã xây dựng nền tảng cho quan niệm phát triển biện chứng về tự nhiên.
Bên cạnh những quan niệm sâu sắc trên đây, ở thời kỳ tiền phê phán, chúng ta cũng nhận thấy sự bế tắc của Kant trong việc tìm kiếm một quan niệm mới về các vấn đề triết học. Một mặt, ông nhận thấy hạn chế của phương pháp cơ học đơn thuần trong việc nghiên cứu các quá trình sinh học. Mặt khác, do sự phát triển thấp của sinh học thời đó, ông đã đi đến tư tưởng bất khả tri phủ nhận khả năng nhận thức của con người về bản chất của sự sống. Quan niệm này càng được củng cố khi Kant quá nhấn mạnh sự khác nhau giữa tư tưởng và hiện thực tới mức nhiều khi hoài nghi khả năng nhận thức thế giới của con người. Những mâu thuẫn trên trong thế giới quan của Kant thể hiện sự trăn trở của một nhà tư tưởng đầy nhiệt huyết muốn xây dựng một cách nhìn mới về thế giới, đáp ứng đòi hỏi của thời đại bấy giờ nhưng lại vấp phải những hạn chế của chính thời đại đó, đặc biệt là xã hội Phổ lạc hậu thế kỷ XVIII. Điều này ảnh hưởng tới triết học của Kant thời kỳ phê phán.
2. Thời kỳ phê phán (từ năm 1770 trở về sau)
Kant đề ra nhiệm vụ nghiên cứu lại toàn bộ các vấn đề triết học trước đây trên tinh thần phê phán. Và ông xây dựng một hệ thống triết học theo quan điểm duy tâm phê phán tiên nghiệm: Thời kỳ này Kant chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nhà tư tưởng như Lepnit, Vônphơ và đặc biệt là của Hium. Thế giới quan của Kant chuyển sang "thời kỳ phê phán" hay còn gọi là "triết học phê phán". Hệ thống triết học đó được Kant trình bày chủ yếu trong bộ ba tác phẩm:
- Phê phán lý tính thuần tuý (1781).
- Phê phán lý tính thực tiễn (1788).
- Phê phán năng lực phán đoán (1790).
Kant coi nhiệm vụ hàng đầu của triết' học là phải xác định bản chất của con người. Theo Kant, triết học phải cung cấp cho con người một nền tảng thế giới quan mới, vạch ra những nguyên tắc cơ bản của cuộc sống. Để xác định được bản chất con người, triết học phải lý giải các vấn đề cơ bản sau:
- Tôi có thể biết được cái gì? (1)
- Tôi cần phải làm gì? (2)
- Tôi cố thể hi vọng cái gì? (3)
Ba vấn đề trên phản ánh ba khía cạnh cơ bản nhất trong quan hệ "con người - thế giới". Đó là nhận thức, thực tiễn, giá trị.
Ba vấn đề đó được thể hiện trong hệ thống triết học của Kant theo ba phần: triết học lý luận, triết học thực tiễn và thẩm mỹ học.
Triết học của Kant là triết học nhị nguyên, chứa đầy tinh thần nhân đạo. Tiếp thu tư tưởng của Xocrat, Kant cho rằng bản chất của triết học là sự tự ý thúc về chính mình. Kant mạnh mẽ khẳng định: " con người là trung tâm của mọi vấn đề, là chủ thể của lịch sử. Vì vậy, triết học Kant được các nhà tư tưởng ví như một cuộc cách mạng Côpecních trong lịch sử triết học loài người.
3. Triết học lý luận của Kalt.
Triết học lý luận của Kant chủ yếu đề cập đến những vấn đề nhận thức luận và logíc học với mục đích xây dựng một nền tảng thế giới quan mới cho con người, xác định đối tượng và giới hạn của tri thức con người hay nói theo ngôn ngữ của Kant là nhằm giải đáp vấn đề "tôi có thể biết được cái gì?
- Nhiệm vụ cơ bản của triết học và vấn đề vật tư nó.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sự phát triển khoa học tự nhiên lý thuyết thế kỷ XVII- XVIII, cũng như nhiều nhà triết học cận đại, Kant đòi hỏi ở các tri thức khoa học và triết học một sự hoàn hảo tuyệt đối, coi đó là lý tưởng của tri thức con người. Cũng như Hium & Lepnhit, Kant cho rằng tri thức khoa học phải thực sự dựa trên những tri thức tiên nghiệm (apriori) với hai đặc tính cơ bản là phổ quát và tất yếu Do chưa thoát khỏi quan niệm siêu hình, nhìn nhận thế giới một cách tách rời, Kant cho rằng mọi sự vật hiện tượng trong thế giới bên ngoài chúng ta chỉ tồn tại dưới dạng đơn nhất và cá biệt. Điều này buộc Kant phải lựa chọn một trong hai quan niệm:
Thứ nhất nếu khẳng định mọi tri thức đều là sự phản ánh các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan thì phải thừa nhận mọi khoa học và triết học đều chỉ dựa trên những tri thức đơn lẻ, ngẫu nhiên.
Thứ hai, nếu đòi hỏi mọi tri thức khoa học & triết học phải đạt đến tính phổ quát & tất yếu thì phải thừa nhận nguồn gốc của khoa học (triết học) không phải là sự phản ánh thế giới khách quan mà là kết quả của sự sáng tạo của riêng trí tuệ con người.
Đứng trước sự lựa chọn trên, Kant lập luận: "từ trước đến nay, người ta cho rằng, mọi tri thức của chúng ta đều phải phù hợp với các sự vật (quan điểm nhận thức luận duy vật). Tuy nhiên ở đây mọi ý đồ thông qua khái niệm để xác lập một cái gì đó tiên nghiệm (apriori) về sự vật, cái có thể mở rộng tri thức của chúng ta về chúng, kết cục đều thất bại. Vì vậy, theo Kant sẽ hiệu quả hơn nếu ta xuất phát từ luận điểm: "các sự vật phải phù hợp với nhận thức của chúng ta". Điều này sẽ đáp ứng tốt hơn việc đòi hỏi triết học phải có được tổ thức tiên nghiệm về "vật tự nó".
Như vậy với ý đồ xây dựng nền tảng tri thức tiên nghiệm của khoa học mang tính phổ quát và tất yếu cũng như quan niệm rằng mọi tri thức của con người không phải là sự phản ánh thế giới khách quan tức "vật tự nó", Kant đi đến khẳng định rằng "vật tự nó" là không thể nhận thức được.
"Vật tự nó" được Kant hiểu theo mấy nghĩa sau:
Thứ nhất, đó là sự thể hiện những gì thuộc về lĩnh vực các hiện tượng (được ông đồng nhất với các kinh nghiệm) mà chúng ta chưa nhận thức được.
Thứ hai, "Vật tự nó" là căn nguyên của thế giới, là cái thực sự, là bản chất của mọi vật khách quan tồn tại bên ngoài chúng ta, mà theo ông chúng thuộc về lĩnh vực siêu nghiệm (transendent) và về nguyên tắc, con người không thể nhận thức được nó.
Thứ ba, "Vật tự nó" còn ám chỉ những chuẩn mực, lý tưởng đạo đức của sự hoàn thiện tuyệt đối mà con người không thể đạt tới nhưng đó lại là những điều mà nhân loại hằng mong ước: Chúa, tự do, sự bất tử của linh hồn. Đây là lĩnh vực thuộc đối tượng của tín ngưỡng, niềm tin.
Quan niệm của Kant về "vật tự nó", theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, là cánh cửa đi vào triết học phê phán của ông. Từ đây, ông coi đối tượng của triết học lý luận của mình không phải là nghiên cứu giới tự nhiên như bản thân nó, điều mà nhiều nhà tư tưởng trước đó quan niệm, mà là nghiên cứu quá trình nhận thức của con người, xác định những quy luật và giới hạn của trí tuệ con người, biến triết học thành lý luận về chủ thể. Theo nghĩa đó, ông gọi triết học tiên nghiệm với nhiệm vụ trước tiên là nghiên cứu con người như một chủ thể hoạt động. Trên cơ sở thừa nhận "vật tự nó", Kant khẳng định triết học và khoa học phải dựa trên những tri thức tiên nghiệm mang tính phổ quát và tất yếu, về cơ bản khác với những tri thức kinh nghiệm cảm tính. Kant phân biệt sự khác nhau giữa hai dạng tri thức, suy lý: đó là tri thức dựa trên kinh nghiệm cảm tính và tri thức tiên nghiệm. Chẳng hạn:
"Tất cả các loài thiên nga đều màu trắng" là mệnh đề thuộc về kinh nghiệm cảm tính. Nó là kết quả của sự quan sát của chúng ta từ xưa đến nay chỉ thấy một loại thiên nga màu trắng. Vì thế, nó có thể bị bác bỏ nếu khi nào đó ta tìm thấy có loài thiên nga màu khác.
Còn mệnh đề: "mọi sự vật đều có quảng tính" hoặc "mọi vật đều thuộc về vật chất hay tinh thần" là những mệnh đề tiên nghiệm. Nó là kết quả khái quát của tư duy lý luận cho nên đúng ở mọi thời điểm.
Mặt khác, theo Kant, khoa học phải là 1 hệ thống mở, các từ thức phát triển không ngừng. Do đó ông đề cao tri thức tổng hợp hơn tri thức phân tích. Mệnh đề phận tích là mệnh đề mà trong chủ ngữ đã chứa đựng (có thể gián tiếp) bao hàm những điều trong vị ngữ. Vị ngữ chỉ giải thích những điều đã có trong chủ ngữ (mệnh đề phân tích còn gọi là mệnh đề giải thích)
VD: "Chó là loài động vật có 4 chân". Đây là mệnh đề phân tích bởi vì trong khái niệm "chó" đã bao hàm đặc tính của "động vật có bốn chân" rồi. Vị ngữ ở đây chỉ có tác dụng làm rõ nghĩa thêm cho chủ ngữ.
Ngược lại, mệnh đề tổng hợp là những mệnh đề mà vị ngữ đem lại tri thức mới so với chủ ngữ
VD: "7 + 5 = 12". đây là một mệnh đề tổng hợp vì bản thân (7 +5) mới chỉ ám chỉ tổng của hai số 7 và 5 chứ chưa chỉ ra số nào bằng tổng của chúng.
Theo Kant, bản thân toán học và các khoa học tự nhiên đã bao hàm những mệnh đề tiên nghiệm tổng hợp rồi. Có như vậy chúng mới phát triển được. Cho rằng tổng hợp cũng có nghĩa là làm giàu, tạo ra những tri thức mới, ông coi nhiệm vụ cơ bản của triết học lý luận là luận chứng "các mệnh đề tiên nghiệm tổng hợp có được như thế nào?" tức là làm rõ các tri thức lý luận của khoa học có được như thế nào? đây là nhiệm vụ của triết học lý luận. Học thuyết của Kant nhằm giải đáp cho vấn đề trên được ông gọi là "triết học duy tâm tiên nghiệm".
Việc xác định nhiệm vụ của triết học nhằm luận chứng cơ sở của tri thức lý luận một cách có hệ thống là một trong những thành tựu vĩ đại của triết học Kant. Dựa trên khuynh hướng duy lý của Đềcáctơ, Lepnit và khoa học tự nhiên thế kỷ XVII-XVIII, Kant nhận thấy vai trò đặc biệt của tri thức lý luận đối với khoa học, coi đây là nền tảng của nhận thức con người. Vì thế, giải quyết nhiệm vụ trên cũng có nghĩa là luận chứng sự tồn tại của khoa học lý luận thời đó.
- Quan niệm về cảm tính, không gian và thời gian
Thừa nhận các hiện tượng cảm tính có được là do các sự vật bên ngoài tác động vào các giác quan của chúng ta, nhưng Kant cũng như Hium cho rằng, những gì mà con người biết được về sự vật đều chỉ là hình ảnh, quan niệm của con người về chúng chứ không phải bản thân sự vật trên thực tế, cái mà ông gọi là "vật tự nó". Theo ông, vì chúng ta chỉ biết được về sự vật thông qua các giác quan của mình. những gì mà sự vật biểu hiện bên ngoài, tức là hiện tượng, cho nên không bao giờ con người có thể nhận biết được bản chất đích thực của sự vật cả. Kể cả những gì mà con người hiện chưa biết nhưng sẽ biết về sự vật cũng bị ông quy về lĩnh vực kinh nghiệm cảm tính, tức hiện tượng luận. Chúng được ông gọi là những kinh nghiệm khả năng. Tách rời những gì mà con người khám phá ra về sự vật với bản chất đích thực của vật đó là một trong những đặc điểm cơ bản của triết học phê phán. Vì vậy, nhận thức luận (tức triết học lý luận) không phải là nghiên cứu quá trình con người nhận thức, khám phá ra bản chất đích thực của tự nhiên, mà là hoạt động nhận thức của con người như một chủ thể trong khuôn khổ hiện tượng luận. Hiện tượng luận (phenomenologie) là giới hạn của mọi tri thức con người.
Nếu ở thời kỳ tiền phê phán, Kant (chịu ảnh hưởng của Niutơn) coi không gian và thời gian là những cái thuộc vê lĩnh vực "vật tự nó" thì giờ đây, trong triết học' phê phán của mình, ông coi không gian là hình thức bên ngoài còn thời gian là hình thức bên trong của kinh nghiệm. Như vậy, chúng đều thuộc về lĩnh vực hiện tượng luận, lĩnh vực kinh nghiệm cảm tính. Hạn chế của các quan niệm này là ở chỗ nó tách rời không gian và thời gian với những hình thức tồn tại của vật chất và quá trình vận động của sự vật, coi chúng là những cái thuộc về lĩnh vực chủ quan của ý thức con người. Tuy nhiên, nó gắn không gian và thời gian với đời sống và quá trình hoạt động của con người, đặt vấn đề về bản chất xã hội của chúng.
- Logic học của Kant: học thuyết về giác tính và phạm trù
Nhận thức luận của Kant không dừng lại ở việc phân tích khả năng cảm tính mà tiếp tục nghiên cứu tư duy, trí tuệ con người. Điều đó dễ hiểu vì nghiên cứu quá trình nhận thức, theo Kant là nghiên cứu các khả năng nhận thức của con người như cảm tính, giác tính và lý tính bởi vì quá trình nhận thức được bắt đầu bằng cảm tính, thông qua giác tính và được hoàn thiện bởi lý tính. Ông lý giải quá trình này như sau: khi "vật tự nó" tác động lên giác quan của con người sẽ tạo ra những cảm giác đa dạng.
Chúng được xếp đặt một cách có trình tự trong không gian và thời gian, trở thành các tri giác. Những tri giác dĩ nhiên còn mang tính chủ quan và cá thể. Để nó có thể trở thành kinh nghiệm, tức là một cái gì đó khách quan hơn được đông đảo mọi người thừa nhận (ông đồng nhất cái khách quan với cái có giá trị chung mang tính phổ biến) thì cần phải có tư duy dựa trên các khái niệm.
Kant coi cảm giác chỉ là giai đoạn đầu tiên của nhận thức. Nhận thức được tiếp tục trong những hình thức của giác tính. Tư duy là đối tượng nghiên cứu của logic học.Tư duy sử dụng khái niệm và phạm trù được Kant gọi là giác tính. Giác tính là hoạt động tư.duy khoa học, có nhiệm vụ nghiên cứu nguồn gốc, chức năng của quá trình nhận thức, quy tụ sự đa dạng của các tự giác cảm tính dưới sự thống nhất của các khái niệm, và bằng cách đó, biến những tri giác cá nhân thành những tri thức khách quan được mọi người thừa nhận.
Để làm được điều đó, giác tính phải xây dựng hệ thống các phạm trù. Cũng như Hium, Kant coi các phạm trù không phải là sự phản ánh hiện thực khi, tức là "vật tự nó" mà là kết quả sáng tạo của riêng giác tính.
Kant nêu lên 12 phạm trù, chia thành 4 nhóm:
1. Các phạm trù lượng: thống nhất, đa dạng, chỉnh thể
2. Các phạm trù chất: hiện thực, phủ định, hạn chế
3. Các phạm trù quan hệ: cố định & tồn tại độc lập; quan hệ nhân quả & phụ thuộc; tiếp xúc
4. Các phạm trù tình thái: khả năng, tồn tại, tất yếu.
Các phạm trù trên vượt ra khỏi phạm vi ý thức cá nhân bởi chúng mang đặc tính phổ quát, tất yếu, tiên nghiệm. Nói cách khác, chúng là những khái niệm định trước của con người về sự vật. Giữa các phạm trù của Kant chưa có mối liên hệ lẫn nhau sâu sắc, mặc dù về hình thức trong mỗi nhóm được sắp xếp theo trật tự: chính đề- phản đề- hợp đề. Ngoài ra, các phạm trù còn bị hạn chế về số lượng (12). Kant cũng nhận thấy sự thiếu hụt đó nhưng theo ông đây là những phạm trù cơ bản, từ đó triển khai thành những phạm trù mới đáp ứng nhu cầu phát triển của khoa học, bởi vì đối với ông, "ở đây, điều quan trọng không phải là sự đầy đủ của hệ thống, mà là đầy đủ các nguyên lý của hệ thống".
Các phạm trù, theo Kant, mới chỉ là hình thức của tư tưởng mà chưa bao chứa một nội dung nào cả (điểm khác nhau giữa Mác & Kant trong quan niệm về phạm trù), vì vậy để có nội dung và trở thành tri thức, các phạm trù phải được vận dụng vào kinh nghiệm cảm tính.
Với luận điểm "trực quan (tư tưởng) thiếu khái niệm thì mù quáng mà khái niệm thiếu trực quan thì trống rỗng". Kant cho rằng, để có được tri thức thực sự, cần phải có sự kết hợp - trực quan cảm tính với phạm trù của suy lý. Và ở đây cần dùng phép phán đoán (suy diễn) tiên nghiệm các phạm trù, tức là vận dụng chúng vào kinh nghiệm, quy tụ các kinh nghiệm cảm tính đa dạng dưới sự thống nhất của khái niệm và bằng cách đó khắc phục những hạn chế của chủ nghĩa duy cảm và chủ nghĩa duy lý trước đây (Tuy nhiên, đúng như Hegel nhận xét, Kant chưa hoàn toàn làm được điều này. Ở ông, giác tính và cảm tính mới chỉ có mối liên hệ bề ngoài).
Để thực hiện được phép suy diễn tiên nghiệm trên, cần tìm ra khâu trung gian gắn liền các phạm trù với kinh nghiệm. Theo ông, đó là thời gian, tức là hình thức bên trong của cảm tính, vì nó là phạm trù những không phải của giác tính mà là của cảm tính. Sự thống nhất giữa tư duy giác tính và kinh nghiệm cảm tính trong thời gian được Kant gọi là lược đồ (Schema). Khác với các khái niệm, lược đồ là những hình thức của tư tưởng nhưng đã bao chứa nội dung kinh nghiệm. Chúng là những quy tắc hình thành các hình ảnh cảm tính trên cơ sở tiếp cận các phạm trù về chúng. Các biểu đồ tựa như những chữ cái cấu thành ngôn ngữ tư tưởng của toàn bộ hoạt động của con người nói chung. Trên cơ sở đó các khoa học tự nhiên được xây dựng với phương châm: giới tự nhiên phải tuân theo các quan niệm của con người về nó chứ không phải ngược lại. Điều này là dễ hiểu vì nói đến giới tự nhiên ở đây, Kant ám chỉ hiện tượng luận chứ không phải "vật tự nó". Con người không chỉ là chủ thể của nhận thức mà còn sáng tạo ra các quy luật của tự nhiên bằng chính phép suy diễn tiên nghiệm trên đây của giác tính. Giác tính, bằng hoạt động của mình, xây dựng lên sự vật theo khuôn mẫu do nó tạo nên - tức là các phạm trù.Khẳng định "vật tự nó" không nhận thức được, Kant lý giải nguồn gốc của mọi tri thức con người từ giác tính. Chúng là kết quả của phép suy diễn tiên nghiêm các phạm trù của giác tính vào kinh nghiệm cảm tính. Bằng cách đó, các tri giác chủ quan cảm tính của mỗi người trở thành những tri thức khách quan, phổ biến được đông đảo mọi người thừa nhận.
- Logic học củaKant: học thuyết về lý tính và các Antinomia.
Lý tính được hiểu là khả năng trí tuệ cao nhất của con người.
Lý tính khác với giác tính. Nếu giác tính chỉ dừng lại ở nhận thức hiện tượng luận thừa nhận "vật tự nó" bất khả tri thì lý tính muốn xâm nhập cả vào lĩnh vúc "vật tự nó", thể hiện khát vọng của con người muốn nhận thức mọi cái một cách trọn vẹn, tuyệt đối. Một trong những chức năng chính của lý tính là hệ thống hoá toàn bộ tri thức mà con người đạt được. Bản thân lý tính, theo Kant, không tạo một khái niệm gì mới mẻ cả, mà điều lớn nhất là nó giải phóng khái niệm giác tính khỏi những hạn chế không tránh khỏi bởi phạm vi kinh nghiệm khả năng, và đồng thời tìm cách mở rộng nó ngoài giới hạn kinh nghiệm. Chừng nào chúng ta vươn tới nền tảng tận cùng của mọi sự vật thì ta có được ý niệm về thế giới, về vũ trụ nói chung.
Nhưng việc lý tính con người khát vọng xâm nhập vào lĩnh vực "vật tự nó" để đạt tới tri thức tuyệt đối lại nảy sinh những antinomia (mâu thuẫn, nghịch lý) do khả năng con người không cho phép làm được việc đó. Các antinomia này, theo Kant, không phải là những lỗi logic thông thường mà con người có thể khắc phục được, mà là những mâu thuẫn không thể tránh khỏi trong bản thân lý tính con người. Ông đưa ra 4 antinomia. Mỗi antinomia được kết cấu từ hai luận đề đối lập nhau, cụ thể là:
Chính đề
Phản đề
1. Thế giới có điểm đầu trong thời gian và có hạn trong không gian
Thế giới là vô cùng tận (không có đầu, không có cuối) cả về K lẫn T
2. Thế giới như một chỉnh thể phức tạp được cấu thành từ các bộ phận giản đơn
Thế giới là không thể phân chia, không có gì trong thế giới là đơn giản cả
3. Trong thế giới không chỉ tồn tại mối liên hệ nhân quả mà còn có tự do
Trong thế giới không có tự do, mọi sự việc đều diễn ra theo những quy luật tự nhiên
4. Trong thế giới tồn tại mối liên hệ tất yếu, có nguyên nhân đầu tiên
Không ở đâu tồn tại mối liên hệ tất yếu và nguyên nhân đầu tiên.

Bốn antinomia đó là kết quả khái quát của Kant trên những vấn đề chủ yếu nhất của triết học mà xưa nay các nhà triết học vẫn bàn đến: Đó cũng chính là các antinomia mà toàn bộ triết học xưa nay mắc phải. Trong đó, chính đề chủ yếu thể hiện lập trường của các nhà duy tâm và quyết định luận, còn phản đề thể hiện lập trường của các nhà duy vật và vô định luận.
Cách giải quyết mâu thuẫn của các nhà tư tưởng trước Kant thường là phân tích đúng sai, rồi triệt tiêu một trong hai mặt đối lập, tức là thực hiện quy luật loại trừ cái thứ ba. Nhưng Kant coi các antinomia trên là các dạng đối lập biện chứng. Vì vậy phải xem xét cụ thể từng trường hợp, và không loại trừ khả năng cả hai mặt đối lập đều đúng hoặc đều sai. Vì đối với ông, "vật tự nó" (nằm ngoài không gian và thời gian) thì tất cả các đặc tính: "điểm đầu", "giới hạn", "giản đơn", "phức tạp" v.v... đều không thể áp dụng được. Còn đối với thế giới "hiện tượng" thì chưa bao giờ những đặc tính đó được thể hiện một cách trọn vẹn. Những hiện tượng mà chúng ta đã biết thì chưa đủ để khám phá ra bản chất đầy đủ của chúng. Vì vậy, Kant kết luận: trong các antinomia toán học (antinomia 1 và 2) ''bản thân vấn đề là không có ý nghĩa" vì cả hai vế chính đề và phản đề đều dựa trên các tiên đề sai. Còn trong các antinomia động lực học (antinomia 3 và 4), theo ông, do khái niệm thế giới được hiểu theo hai nghĩa: vật tự nó và hiện tượng, nên cả hai vế chính đề và phản đề "đều đúng trong những mối quan hệ khác nhau". Vế nào đúng ở khía cạnh hiện tượng luận thì sai ở khía cạnh vật tự nó và ngược lại.
Học thuyết của Kant về các antinomia còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, ông quy những mâu thuẫn đó vào mâu thuẫn của lý tính (tư tưởng) chứ chưa thấy rằng đó là những mâu thuẫn của thế giới hiện thực (của giới tự nhiên). Thứ hai, các antinomia đó cũng chưa hoàn toàn là những mâu thuẫn biện chứng vì giữa các chính đề và phản đề chưa có sự thống nhất và chuyển hoá lẫn nhau. Thứ ba, giải quyết mâu thuẫn cũng không phải chỉ dừng lại ở việc phân tích tổng mặt đối lập rồi kết luận đúng - sai như ông đã làm. Kant đã giải quyết vấn đề theo nguyên tắc hay là, hay là... ngoài ra không thể là cái gì khác mà lẽ ra sự vật phải vừa là cái này lại vừa là cái kia. Trên thực tế, quá trình nảy sinh và giải quyết mâu thuẫn là động lực thúc đẩy sự vật phát triển. Thứ tư, Kant đã sai lầm khi hạn chế số lượng các antinomia, trong khi theo Hegel, chúng có trong "tất cả các sự vật ở mọi hình thức, trong tất cả các quan niệm, ý niệm, khái niệm".
Kant đã thể hiện là một nhà bất khả tri khi kết luận rằng lý trí của chúng ta không thể đạt tới bản chất của thế giới. Ông không hiểu các chân lý tương đối, chân lý tuyệt đối và chân lý cụ thể.
Tuy nhiên, học thuyết biện chứng tiên nghiệm của Kant bao hàm nhiều tư tưởng tích cực. Ông đã thấy mâu thuẫn (antinomia) là bản chất của lý tính con người chứ không phải là những lỗi logic thông thường. Hegel đánh giá rằng: "việc tìm ra các antinomia cần được xem như một thành tựu rất quan trọng của nhận thức, bởi bằng việc đó... vận động biện chứng của tư duy được đề cao".
Đối với Kant, việc tìm ra và giải quyết các antinomia trên càng khẳng định luận điểm của ông rằng "vật tự nó" là bất khả tri, mặc dù đó là ý tưởng thể hiện khát vọng cao đẹp của trí tuệ con người. Đó là một nghịch lý khách quan mà nhận thức con người buộc phải chấp nhận. Xưa nay người ta vẫn ngộ nhận tưởng rằng mình có thể nhận thức được "vật tự nó", nhưng trên thực tế, con người đang phải chấp nhận nghịch lý trên. Kết luận cuối cùng của triết học lý luận: triết học thực sự không phải là học thuyết về "vật tự nó" mà là hiện tượng luận. Chủ thể nhận thức chỉ nhận thức được những gì do chính nó sáng tạo ra, trong khuôn khổ của nó.
4. Triết học thực tiễn của Kant
Triết học thúc tiễn của Kant nghiên cứu các nguyên lý hoạt động thực tiễn của con người trong xã hội, giải quyết vấn đề: "tôi cần phải làm gì?". Kant là người đề cao hoạt động thực tiễn của con người đối với sự phát triển của xã hội và là người đầu tiên đặt vai trò thực tiễn cao hơn lý luận.
Mối quan hệ giữa triết học thực tiễn và triết học lý luận ở Kant khá phức tạp. Nếu xét triết học phê phán của ông như một chỉnh thể, thì triết học thực tiễn là mặt đối lập, là phản đề của triết học lý luận. Con người trong triết học thực tiễn cũng chính là con người được bàn đến trong triết học lý luận, nhưng giờ đây được xem xét dưới góc độ hoạt động thực tiễn. Nếu như nhận thức con người dừng lại ở giới hạn hiện tượng luận, thừa nhận "vật tự nó" bất khả tri, thì trong hoạt động thực tiễn của mình, con người vẫn đang tác động đến các sự vật xung quanh ta.. Người ta không nhận thức được "vật tự nó", nhưng vẫn sản xuất ra "vật tự nó". Con người có thể, ví dụ, không nhận thức được bản chất của nước, nhưng vẫn đang dùng nước uống hàng ngày. Vì vậy, trong triết học thực tiễn không còn vấn đề "vật tự nó". Bản thân Kant cũng không nhất quán trong khi đề cập đến quan hệ lý luận-thực tiễn. Một mặt, ông muốn xây dựng triết học thực tiễn một cách khoa học. Mặt khác, thực tiễn theo Kant, về cơ bản lại độc lập với quá trình nhận thức của con người.
Bản thân thực tiễn được Kant hiểu theo nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp thì đó là các hoạt động đạo đức, còn theo nghĩa rộng thì nó bao hàm toàn bộ hoạt động chính trị, lịch sử, pháp quyền, văn hoá... của con người nói chung. Kant ít bàn đến các hoạt động kinh tế, sản xuất vật chất của con người. Dù vậy, triết học thực tiễn của ông vẫn chứa đựng nhiều tư tưởng quý báu.
- Đạo đức học của Kant.
Xuất phát từ nguyên lý của Rutxô khẳng định sự độc lập của nhân cách với học thức và giáo dục, Kant cho rằng, các nguyên lý đạo đức độc lập với mọi lĩnh vực hoạt động khác của con người. Nếu trong triết học lý luận, giác tính là nguồn gốc duy nhất của các phạm trù và các quy luật tự nhiên thì ở đây lý tính là nguồn gốc duy nhất sinh ra các nguyên lý và chuẩn mực đạo đức. Kant theo lập trường duy lý trong đạo đức học, cho rằng các khát vọng cảm tính chỉ đưa con người tới chỗ hưởng thụ cá nhân, ích kỷ, phi đạo đức. Theo ông, đối với nhân cách, đạo đức con người chỉ cần lý tính thuần tuý kiềm chế tính tự ái, hạn chế nó là đủ.
Nguyên lý đạo đức cơ bản của Kant là tuân theo lý trí mà ông gọi là "mệnh lệnh tuyệt đối". Nó đòi hỏi người ta phải hành động phù hợp với một pháp chế phổ biến. Hành động phù hợp với mệnh lệnh tuyệt đối được coi là hành động có đạo đức. Mệnh lệnh tuyệt đối của Kant hướng mọi người tới hoạt động cộng đồng, đòi hỏi họ sống hợp với tự nhiên, tôn trọng mình và người khác, bỏ thói hèn hạ và sự nhún nhường giả dối (người có đạo đức sống theo lẽ phải và tôn trọng sự thật). Thước đo "pháp chế phổ biến" là cái có lợi cho xã hội trong đó có mỗi công dân. Như vậy, mệnh lệnh tuyệt đối là nghĩa vụ của mỗi công dân với xã hội, là quy luật đạo đức chung mà mọi người phải thực hiện: mọi người bình đẳng trước quy luật và chuẩn mực đạo đức.
Phạm trù trung tâm của đạo đức học Kant là tự do. Tư do là lý tưởng đạo đức cao cả nhất của nhân loại.
Đạo đức học của Kant có nhiều điểm không tưởng vì tính phi lịch sử, phi giai cấp và thiếu cơ sở hiện thực nhưng chứa đựng nhiều tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
-Triết học lịch sử và pháp quyền
Các quan niệm chính trị xã hội được coi là đạo đức học ứng dụng của Kant vì tính tích cực của chủ thể đạo đức được thể hiện rõ trong các hoạt động xã hội của con người. Ở đây, Kant trình bày quan niệm của ông về các vấn đề lịch sử xã hội; về nhà nước, pháp quyền; về quyền sở hữu và bình đẳng.
Lịch sử, theo Kant, là phương thức tồn tại của loài người như một chủ thể.
Một mặt, đó là quá trình con người bằng hoạt động của mình, phát triển những năng lực bản chất của mình.
Mặt khác, đây là lĩnh vực để con người thực hiện mục đích và lý tưởng đạo đức.
Vì thế, lịch sử nhân loại là sự tiếp tục quá trình phát triển của lịch sử tự nhiên, diễn ra theo hướng ngày càng tiến bộ và hoàn thiện.
Kant có cái nhìn biện chứng khi cho lịch sử là một quá trình thống nhất, phát triển theo quy luật nội tại chứ không phải do chúa trời hay lực lượng siêu nhiên nào tạo ra, ông tiếp cận được tư tưởng biện chứng khẳng định mâu thuẫn xã hội là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Nhà nước được Kant quan niệm là công cụ liên kết mọi thành viên trong khuôn khổ luật pháp nhằm giám sát và đảm bảo bình đẳng cho mọi công dân. Nhà nước có nhiệm vụ giải quyết những đối kháng xã hội, điều hoà các quan hệ xã hội, phát triển xã hội theo hướng ngày càng hoàn thiện vì lợi ích của con người. Trong số các hình thức nhà nước khác nhau, Kant cho rằng chế độ cộng hoà là phù hợp nhất với nhu cầu phát triển của xã hội.
Về quyền sở hữu và bình đẳng: Kant bảo vệ chế độ tư hữu, coi sự tồn tại của xã hội tư sản là có tính tiên thiên (tự nhiên) và do đó, nó có tính "bất khả xâm phạm", vĩnh cửu, phổ biến và cần thiết.
Kant nêu lên tư tưởng độc đáo về quyền bình đẳng của con người (bình đẳng về cơ hội để phát triển và áp dụng tài năng)
Mặc dù triết học lịch sử & pháp quyền của Kant có hạn chế do chưa nhận thấy nền tảng kinh tế cũng như hoạt động sản xuất vật chất trong tiến trình lịch sử nhưng chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng quý báu. Ông thực sự đã đặt nền móng cho quan niệm duy vật lịch sử sau này của Mác-Ăngghen coi trình độ giải phóng con người là thước đo đánh giá sự tiến bộ của tiến trình lịch sử nhân loại.
Thẩm mỹ học của Kant
Mâu thuẫn trong hệ thống của mình - giữa "vật tự nó" và hiện tượng, giữa triết học lý luận và triết học thực tiễn được Kant cố gắng giải quyết trong thẩm mỹ học của ông. Những tư tưởng mỹ học của Kant được trình bày trong tác phẩm "phê phán khả năng suy diễn" trả lời cho câu hỏi: "con người có thể hi vọng cái gì?"
Mỹ học - triết học nghệ thuật, theo Kant, là sự kết thúc của triết học. Nó là lý luận nghiên cứu hình thức cảm nhận đặc thù nhất; vừa nhận thức vừa thưởng ngoạn; kết quả của sự cảm nhận đó tạo ra những mối liên hệ hài hoà giữa hai lĩnh vực lý tính thuần tuý và lý tính thực tiễn vốn rời rạc, mâu thuẫn nhau tạo ra sự hợp lý, hài hoà, toàn vẹn - đẹp.
Hoạt động nghệ thuật là một trong những lĩnh vực cơ bản để con người gắn liền lý luận với thực tiễn. Nghệ thuật là hoạt động tự do của con người, theo chuẩn mực của cái đẹp. Vì vậy, phạm trù trung tâm của thẩm mỹ học là cái đẹp Kant ít quan tâm giải quyết vấn đề nguồn gốc cái đẹp và nó có tồn tại khách quan trong tự nhiên hay không mà chỉ chú ý xem xét vấn đề quan hệ giữa con người với tư cách là chủ thể hoạt động với các sự vật tự nhiên (ở đây được hiểu theo nghĩa "vật tự nó"), nhất là với những thành quả sáng tạo của con người. Ông đề cập đến những antinomia (nghịch lý) trong quan niệm về cái đẹp:
Chính đề: cái đẹp là một phạm trù mang tính phổ biến và tất yếu vì nó là sản phẩm của sự vươn tới tự do toàn vẹn.
Phản đề: cái đẹp mang tính cá biệt (vì nó là kết quả thưởng ngoạn của từng cá nhân
Antinomia này là sự khái quát những quan niệm mỹ học cơ bản trước đây khi bàn về bản chất của cái đẹp, cũng như mối quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật, về đặc trưng của nghệ thuật khác với các lĩnh vực khác. Giải quyết antinomia trên, Kant cho rằng: khác với các phạm trù logic, cái đẹp là một phạm trù không xác định. Tính phổ quát của nó, do vậy, khác với tính phổ quát của khái niệm của giác tính. Nó thể hiện như là xúc cảm "khoái cảm phổ biến". Với tư cách là khoái cảm tiên nghiệm và trực tiếp, cái đẹp vừa mang tính phổ biến, lại vừa mang tính chủ quan. Chính tính phổ biến, được nhiều người thừa nhận của cái đẹp làm cho nó ít nhiều mang nội dung khách quan. Tuy thừa nhận tính khách quan đó song Kant đặc biệt nhấn mạnh tính chủ quan trong việc nhận thức và đánh giá cái đẹp. Ông có câu châm ngôn nổi tiếng: cái đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình". Không có sự vật khách quan thì không có cái đẹp nhưng cái đẹp lại không nằm trong những sự vật này, mà là trong sự cảm nhận, đánh giá của con người về chúng dưới góc độ giá trị. "Chỉ có con người mới có thể là lý tưởng của cái đẹp". (Kant)
Khi nói đến cái đẹp và cái cao cả trong nghệ thuật, Kant chủ yếu đề cập ở khía cạnh tinh thần, cho chúng thuộc về lĩnh vực văn hoá tinh thần của con người.
Trong thẩm mỹ học, Kant cho rằng con người dù không nhận thức được "vật tự nó" nhưng có thể cảm nhận, đánh giá và thưởng ngoạn nó và về nguyên tắc cần phải bao quát được nó, mà cần phải có nghĩa là có thể để vươn tới các ý niệm cao đẹp, toàn vẹn, tất yếu và phổ biến.
Imanuel Kant là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của thời kỳ triết học cổ điển trước Mác. Triết học phê phán, như ông tự nhận, thực sự là một cuộc đảo lộn Côpecnic trong triết học: hướng triết học từ nghiên cứu tự nhiên- tới con người như một chủ thể, từ tồn tại - tới hoạt động. Triết học Kant đồng thời cũng là xuất phát điểm của nhiều trào lưu triết học như triết học hiện sinh, chủ nghĩa duy lý, triết học thực chứng v.v... sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét